0932.451.236

Người tiêu dùng đang dần quen với những thói quen và những hành vi mới.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm ở Hoa Kỳ, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng đã thay đổi hành vi của họ theo những cách sẽ có tác động lâu dài đối với các thương hiệu. Theo Paul Marsden, nhà tâm lý học tiêu dùng tại Đại học London: Thông thường, người ta phải mất khoảng 66 ngày mới có được thói quen mới, và tự nguyện duy trì những thói quen đó.

Những thay đổi này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những người làm kinh doanh và marketing.

Một khi có sự thay đổi lớn trong cách sống và hoàn cảnh sống, thường sở thích của khách hàng đối với các thương hiệu quen thuộc cũng thay đổi đáng kể, và nhận thức của họ về các thương hiệu cũng thay đổi. Khi cuộc khủng hoảng kéo dài, các thương hiệu nhanh chóng đưa ra những sáng kiến tuyệt vời để duy trì việc kinh doanh của mình, nhưng các chuyên gia cho rằng khách hàng sẽ mong đợi đây là những thay đổi vĩnh viễn.

Marsden nói: “Đây là thời gian để các thương hiệu hành động, không phải chỉ nói suông.” Khi lên kế hoạch cho tương lai, các thương hiệu có thể xem xét các xu hướng mới sau đây, đây là những xu hướng mà các chuyên gia dự kiến sẽ tồn tại lâu dài kể cả khi COVID-19 qua đi.

Thương hiệu càng lâu đời sẽ càng “tỏa sáng”

Khi người tiêu dùng thay đổi, hướng tới các hành vi và thói quen mới, họ sẽ gắn bó với những thương hiệu đủ lâu đời để họ tin tưởng trong cơn đại dịch này. Sự thay đổi từ “thời thượng” sang “cổ điển” đã được chứng minh trong phân tích mới đây của Evercore. Trong thời điểm này, các thương hiệu mới rất khó có thể ra mắt.

Simon Moore, CEO của Innovation Bubble, một công ty khoa học hành vi nói: “Chúng ta không mở lòng đón chào những thương hiệu mới, chúng ta đi từ tâm lý đến thói quen, và các thương hiệu nên nhận ra điều này. Các thương hiệu nghĩ rằng: “Tôi sẽ bắt đầu tiếp thị một sản phẩm mới hoặc một dịch vụ mới” Nó sẽ không có hiệu quả đâu. Ông nói rằng các thương hiệu nên sử dụng thời gian này để nghiên cứu tại nhà trải nghiệm khách hàng và loại bỏ đi các tác nhân khiến cho khách hàng của mình bực bội và lo lắng.

Không giống như các công ty đã được thành lập, các thương hiệu mới cũng không có cơ hội kết nối tình cảm với khách hàng và xây dựng một nền tảng để xoay chuyển trong thời điểm này.

Murray nói: “Các thương hiệu lâu đời đã có từ lâu và họ đang tung quảng cáo rất nhiều, và người tiêu dùng phần nào đó đã có thiện cảm với những quảng cáo của họ trên truyền hình, do đó, họ có lợi thế hơn.”

Chuyên mục “tự tay làm”

Người tiêu dùng đang sử dụng thời gian ở nhà để học các kỹ năng mới như: nướng bánh, nấu ăn và may vá, và khi virus biến mất thì những kỹ năng đó vẫn còn tồn tại. Các giao dịch men làm bánh ngày càng tăng vì các bà nội trợ bây giờ thích làm bánh cho gia đình ăn như một món ăn, và việc nhào bột cũng là một biện pháp trị liệu giảm lo lắng.

Rất nhiều nơi trên thế giới nói rằng quầy hàng làm bánh bây giờ đã bị cạn kiệt, mặc dù nó không đến mức trống trơn như quầy giấy vệ sinh. Nielsen nhận thấy rằng doanh số bán men làm bánh đã tăng gần 650% trong tuần vào ngày 21 tháng 3 so với năm trước.

Trang web nấu ăn và thương mại điện tử nổi tiếng Food52 cho biết lưu lượng truy cập trang web của họ trong những tuần gần đây tăng 36% trong 2 tuần cuối tháng 3 so với nửa đầu tháng, con số truy cập này đã ngang bằng với lượng truy cập vào ngày Lễ Tạ Ơn (đây được coi là tuần lễ lớn nhất của công ty).

Ngay từ đầu đại dịch, Food52 đã làm nhiều nội dung và công thức nấu ăn nhằm hỗ trợ cộng đồng sống tại nhà. Không có gì đáng ngạc nhiên, một trong những bài viết hot của trang này là về tình trạng thiếu men làm bánh và những lời khuyên về việc làm các món khai vị bằng bột chua. Theo công ty nghiên cứu NPD Group, doanh số của các công ty thiết bị gia dụng nhỏ như: các nhà sản xuất mì ống và máy ép trái cây, tính theo đơn vị USD, đã tăng 8% vào ngày 14 tháng 3, so với giai đoạn đầu năm.

Marsden nói: “Bạn có thể thấy nhiều người trở nên tự chủ hơn.”

Vì các salon phải đóng cửa, người tiêu dùng cũng đã quen với việc tự làm tóc. Nielsen báo cáo mức tăng doanh số của bộ màu nhuộm tóc lên đến gần 20% vào ngày 21 tháng 3; thương hiệu phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng Madison Reed cho biết: khách hàng bây giờ tự nhuộm tóc tại nhà nên là các đơn hàng của họ tăng lên. Lưu lượng truy cập vào trang web của thương hiệu đã tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây nên công ty đã cung cấp các dòng dịch vụ và khóa học kèm online cho khách hàng.

Làm online, mua sắm online, tự làm bánh...: 5 xu hướng chắc chắn còn tồn tại sau Covid-19, bất kỳ ai làm sales hay marketing cũng đều nên biết - Ảnh 1.

Quen với việc mua hàng online

Vì các công ty truyền thông và nghiên cứu chuyển từ hình thức sự kiện trực tiếp sang hình thức tổ chức sự kiện ảo, nên người tiêu dùng cũng điều chỉnh để số hóa hành vi của mình. Một số người, như người tiêu dùng lớn tuổi, trước đây có thể không thoải mái với việc mua hàng trực tuyến, nhưng virus corona đã buộc họ phải thích nghi. Các chuyên gia nói, một khi họ đã quen với dịch vụ giao hàng tận nơi nhanh chóng, có thể họ sẽ không còn thích đi đến cửa hàng nữa.

Theo nghiên cứu của SmartCommerce, một nền tảng thương mại điện tử bán hàng đóng gói: trong tháng 3, gần 40% giao dịch hàng tạp hóa giờ đây là giao dịch trực tuyến.

Marsden nói: “Mọi người bắt buộc phải tập những thói quen mới và đó là lý do thúc đẩy giao dịch trực tuyến phát triển.”

Ngoài ra, nhiều bác sĩ và công ty cung cấp thiết bị y tế dùng camera online như một cách xem tình hình sức khỏe của các bệnh nhân không nằm trong trường hợp khẩn cấp. Các chuyên gia hy vọng cách này sẽ tiếp tục như một xu hướng. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đang chuyển sang dùng ngân hàng số để quản lý tài chính vì họ lúc này không thể đi đến ngân hàng. Marsden nói, nhiều ngân hàng vẫn còn có trụ sở giao dịch, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi khi họ nhận ra chúng không cần thiết nữa.

Bình luận

Bình luận